LAN Helper: Bộ công cụ mạng hữu ích (phần 2)

Trong phần trước, chúng ta đã biết cách tìm thông tin về các máy tính và truy cập nhanh các máy đó bằng chương trình LAN Helper. Tiếp theo trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách xử lý danh sách, và sử dụng LAN Helper để tắt máy tính từ xa.

 Tải chương trình tại: đây 
Xử lý danh sách và tạo nhóm máy tính
Trong chương trình LAN Helper, danh sách chính là thành phần cơ bản dùng để xử lý các máy tính. Hầu hết các thao tác xử lý danh sách đều nằm trong menu Edit. Chức năng Copy dùng để sao chép thông tin đang có về máy tính được chọn trong danh sách vào bộ đệm. Sau đó, bạn sẽ có thể dán thông tin đó vào bất kỳ trình soạn thảo nào..

Chức năng Delete sẽ xóa máy tính đang chọn ra khỏi danh sách, còn mục Clear thì xóa toàn bộ danh sách đang hiển thị. Đặc biệt, nếu sau nhiều lần quét tìm, và tự mình thêm các máy tính vào bằng tên, hay địa chỉ IP, sẽ có thể xuất hiện trường hợp một máy tính nào đó xuất hiện nhiều lần trong danh sách. Để xóa bớt chúng đi một cách tự động, và chỉ để lại mỗi máy tính một tên trong danh sách, bạn hãy dùng tính năng Edit – Duplicate Remove – Name, hay Edit – Duplicate Remove – IP.
Một lỗi khác gây ra sự trùng lắp, là sau khi bạn quét tìm và đưa vào danh sách, thì máy tính đó bị đổi tên, và cả địa chỉ IP. Như vậy, thao tác loại bỏ trùng lắp dựa trên tên hay địa chỉ IP sẽ không phát hiện ra được nó. Cách xử lý là bạn dùng menu Edit – Duplicate Remove – MAC để loại bỏ máy trùng lặp. Vì địa chỉ vật lý (MAC) này rất ít khi bị thay đổi, trừ khi người dùng cố tình thực hiện việc đó vì một mục đích đặc biệt.
Với các danh sách quá dài trong các công ty lớn, bạn sẽ cần ghép chúng lại thành từng nhóm để dễ dàng xử lý về sau. Muốn ghép các máy tính nào lại, bạn hãy đánh dấu chọn toàn bộ chúng. Giữ Ctrl để chọn nhiều mục không liên tục, hoặc Shift khi cần chọn các mục kế tiếp nhau. Chọn xong, bạn dùng menu Edit – XML Groups.
Đánh vào tên của nhóm mà bạn định gán cho các máy, và nhấn OK là thực hiện xong tác vụ ấy. Muốn đổi tên một nhóm đã có, bạn dùng chức năng Rename, còn chức năng Delete để xóa nhóm ấy đi.
Về sau, khi cần chọn các máy tính trong một nhóm bất kỳ, bạn dùng menu Edit – Select XML Group, rồi bấm vào tên nhóm cần chọn. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng chức năng Select All để chọn toàn bộ máy tính trong danh sách. Hoặc khi đã chọn một số mục trong danh sách, nhưng bạn cần đảo lại sự chọn lựa đó, nghĩa là chuyển sang chọn toàn bộ các mục còn lại, ngoại trừ các mục đang đánh dấu, thì bạn dùng chức năng Invert Selection.
Tắt máy tính từ xa
Với LAN Helper, bạn có thể tắt hay khởi động lại một máy tính ở xa trong mạng LAN một cách dễ dàng. Tác vụ này sẽ được thực hiện ngay lập tức, hoặc lập lịch biểu để nó xảy ra trong một thời điểm về sau. Để thực hiện, bạn bấm vào một hoặc nhiều máy tính mà bạn cần tắt trong danh sách, sau đó chọn menu Tools – Remote Shutdown. Phần lựa chọn theo nhóm (Select XML Group) như trong các bước trên, sẽ rất có ích trong trường hợp này, khi bạn cần tắt đi nhiều máy tính cùng một lúc.
Trong cửa sổ Remote Shutdown, bạn sẽ thấy các máy tính đã chọn sẽ đưa hết vào danh sách Computers. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thêm vài máy khác vào đó bằng nút Add, xóa bớt ra khỏi danh sách bằng nút Remove, hoặc sửa lại tên hay địa chỉ IP bằng nút Edit.
Một phần quan trọng trong cửa sổ này là lựa chọn hành động cần thực hiện trong mục Action là tắt máy (Shutdown), hay khởi động lại (Restart). Lựa chọn thứ ba trong mục Action là Abort, cho phép bạn hủy tác vụ tắt máy hay khởi động lại máy tính từ xa mà bạn đã phát ra trước đó. Tuy nhiên, việc hủy tác vụ chỉ có thể thành công khi còn trong giới hạn thời gian cho phép.
Cấu hình tài khoản tắt máy
Dĩ nhiên bạn không thể tắt hay khởi động lại một chiếc máy tính, nếu như bạn không có quyền đăng nhập từ xa vào đó. Để cấu hình lại phần tài khoản cho việc đăng nhập từ xa, bạn hãy bấm vào nút Settings cạnh bên nút Remote logon.
Mặc định, chương trình sẽ sử dụng tài khoản mà bạn dùng để truy cập các thư mục chia sẻ trước đó để đăng nhập và tắt máy (Current logged-on user). Tuy nhiên, hệ điều hành chỉ cho phép các tài khoản thuộc nhóm quản trị cấp cao có quyền đăng nhập từ xa thực hiện các thao tác tắt máy. Vì vậy, nếu muốn chuyển sang dùng một tài khoản khác cho thao tác này, bạn chọn mục Specify credentials trong phần Security credential. Sau đó, bạn nhập tài khoản và mật khẩu muốn dùng vào hai ô User name và Password.
Ngoài ra, bạn cũng cần đánh dấu thêm hộp chọn Close current connections to remote machine. Nó sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề khi có một kết nối bất kỳ vào máy tính từ xa làm gián đoạn quá trình tắt máy, LAN Helper sẽ tiến hành đóng kết nối đó lại.
Lưu phần cài đặt tài khoản cho các nhóm máy tính khác
Nếu muốn lưu phần cấu hình tài khoản vừa thực hiện phía trên, cho một nhóm máy tính đã ghép vào các XML Group khác, bạn hãy đánh dấu chọn nhóm muốn lưu trong phần Group name và nhấn vào nút Eliminate.
Chương trình sẽ xác nhận lại việc bạn có đồng ý cài đặt các thông tin tài khoản đó cho các nhóm đã chọn hay không. Bạn hãy bấm OK để đồng ý, hoặc Cancel để bỏ qua. Sau đó, bạn phải nhấn nút Apply hay OK lần nữa để các cài đặt đó bắt đầu có hiệu lực. Bạn cũng cần biết thêm rằng phần sao lưu cấu hình tài khoản này sẽ có giá trị với các tác vụ tắt máy từ xa (Remote Shutdown), thực hiện lệnh từ xa (Remote Execute), kích hoạt dịch vụ (Services), cũng như khi bạn tiến hành việc quét tìm thông tin máy tính (Scan IP, Scan LAN và Scan Workgroup), tuy nhiên nó lại không có giá trị gì khi bạn dùng tính năng Domain Controller.
Để xem lại thông tin về tài khoản đã cài đặt cho nhóm, bạn chọn tên nhóm trong mục Group Name, rồi bấm nút View. Các thông tin về tài khoản cho nhóm sẽ hiện ra trong một cửa sổ mới, bao gồm: tên nhóm (XML Group), loại tài khoản sử dụng (Security credential), tên tài khoản (User name), mật khẩu (Password), và có đóng kết nối khác để tắt máy từ xa hay không (Close connections).
Các thông số mở rộng của việc tắt máy tính từ xa
Quay trở lại cửa sổ Remote Shutdown, bạn hãy chọn thêm các thông số mở rộng phía dưới. Chúng bao gồm số giây cần chờ trước khi tắt máy (Delay time), có ép các chương trình đang mở phải đóng lại để tắt máy hay không (Forcibly close applications), có thông báo lý do tắt máy cho hệ thống hay không (Shutdown reason). Các máy tính chạy hệ điều hành dạng máy chủ Windows Server sẽ đòi hỏi bạn cung cấp thông tin này khi tắt máy. Bạn sẽ phải chọn lý do trong danh sách xổ xuống phía dưới, đồng thời bạn cũng nên ghi chú thêm trong mục Comment để giải thích lý do này.

TUYẾT PHONG – THANH DUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

nguoivietxaxu