Người không mang họ - Chương 3

Chương 3- 1. Lên đường! Chỉ có lên đường mới tồn tại, nằm im là chết. Đấy là phương châm sống, là cốt lõi nghề nghiệp, là bản năng tự vệ của Sơn Nam mãi võ.


Những đình làng, những bãi chợ, những ga tàu, bến xe; những ngã ba ngã tư trong phố, ở đâu có thể tụ tập được người là gánh thuốc Sơn Nam đi đến. Tiếng rao hài hước cố cù lấy tiếng cười của người đời, tự đâm dao vào bụng mình, cầm gạch xán vào đầu mình để đổi chút lòng tin và sự khâm phục của thiên hạ. Dí mũi dao găm sắc ngọt lên mặt rồi chồng lên trên cán dao ấy những chiếc đĩa men sứ dễ vỡ hoặc những vật nặng thừa sức đè dao đâm toạc da thịt mình. Chồng chềnh đi trên một sợi dây thép và ở phía dưới có ba người cầm gươm chĩa thẳng lên để nếu anh ngã xuống gươm sẽ xuyên qua người... Tất cả những trò ấy là phương tiện sống mà Sơn Nam đã lựa chọn, đặt sinh mạng mình vào chỗ cheo leo nguy hiểm nhất, cứ thế lên đường!

Mùa xuân mưa bụi lăn tăn, mùa hè nắng như táp lửa vào mặt. Thu đến mang theo bão giông bất thần, những cơn lũ hỗn láo nhảy xổ từ trên cao xuống đồng bằng cắt tung những trục đường chính. Mùa đông gió rét tím lịm da thịt, mưa dầm dề não nuột. Nhưng với gánh thuốc Sơn Nam thì thời gian không chia mùa.

Bây giờ là cuối đông. Mùa đông năm nay ít mưa nhưng có cái rét đặc biệt. Người có tuổi ôm ngực ho lụ khụ. Trẻ nhỏ rên hừ hừ vì những cơn sưng phế quản cấp tính. Trâu bò lăn đùng ra chết cứng giữa đường đi. Rét mùa đông không hề báo trước. Bất thần trông thấy nắng, thiên hạ hoan hỉ cởi chiếc áo sợ dày cộm ra thì đùng đùng rét đến y như nó nấp sẵn đâu đó quanh mình. Để đối phó với cái rét, người ta thi nhau cưới. Quanh một ngõ phố có tới hàng chục đám cưới trong một ngày. Pháo nổ chát chúa, liên hồi, khói đùn lên xám mờ từng ngõ. Càng rét càng cưới, cưới vội vàng, cưới hấp tấp hớt hải như lục tìm chiếc áo ấm sau giấc ngủ bị rét tập kích. Trong bối cảnh chung đó Sơn Nam mải võ cũng cưới vợ..


Vợ Sơn Nam là một cô gái gầy như thanh díp ô tô mà đức ông chồng thường dùng để đập vào hai bên mạng sườn. Gầy nhưng khá đẹp. Mái tóc cắt ngắn hơn cả tóc Sơn Nam. Đôi má luôn rực hồng và đặc biệt là cặp môi, tạo hóa đã tẩn mẩn chế tạo được đôi môi sắc như nét vẽ. Tên cô là Loan, nhưng từ ngày nhập hội bán thuốc, cô được mang thêm cái tên kép: Kiều Loan.

Loan vào hội này hồi đầu là nhận việc bán thuốc. Nhưng vì cô đẹp – tai họa sau này cũng vì sắc đẹp ấy – nên Kiều Loan trở thành học trò cưng của thầy Sơn Nam. Sơn Nam dạy cho cô võ nghệ còn kiên trì chu tất hơn cả những đứa đệ tử thân tín khác. Đương nhiên không ai dám ganh tị chuyện đó. Kiều Loan vừa là học tò, vừa là “thanh díp” làm công cụ để Sơn Nam tồn tại. Hai người ăn ở với nhau như vợ chồng. Tuy vậy Sơn Nam vẫn không thích lấy vợ. Hắn sợ bận bịu, đặc biệt là sợ có con. Hơn nữa, có vợ, ăn nằm với vợ là việc quá thông tục, người tầm thường nào chẳng thế. Đằng này không vợ mà vẫn sống thỏa mãn mới là bậc “đại ca”. Thế nên Sơn Nam thường “xuống chưởng” nghiêm tị kẻ nào xui hắn cưới vợ.

Nhưng đánh đùng một cái, cũng ú tim như trò đâm kiếm vào bụng, hắn quyết định cưới. Cuộc cưới diễn ra thực kỳ lạ. Ngoài bầy học trò thường ngày vẫn kề vao sát cánh ra, Sơn Nam không thèm mời một ai. Thực ra có ai nữa mà mời. Nhưng rốt cuộc đám cưới này lại trở nên ồn ào, tấp nập và nổi tiếng nhất thành phố Đà Nẵng.

Gánh thuốc được chia làm hai, y như hai họ. Một bên là Sơn Nam, họ trai. Một phía là Kiều Loan, họ gái. Trang phục kỳ dị theo lối cổ xưa. Sơn Nam mặc áo giáp ngắn chân, đi đôi lư vàng. Kiều Loan bận một gi – lê đen có những đường viền trắng, tóc búi cao (dĩ nhiên là tóc giả), hai ống quần bó chặt. Tay phải Sơn Nam cầm lưỡi kiếm, tay trái cầm một cành hoa. Còn Kiều Loan một tay cầm bó đuốc giả, tay kia nâng một cốc bia to. Pháo nổ. Toàn pháo đại. Khói mù trời. Tiếng nổ long óc. Chàng rể, cô dâu bước lên giá cao và đặt chân lên sợi dây thép. Pháo càng nổ to hơn. Những bước đi chếnh choáng, tròng trành. Dây thép chùng hẳn xuống. Phía dưới đoàn phù rể và phù dâu cầm gươm chĩa thẳng lên như sẵn sàng găm xác nếu có người rơi xuống. Không biết cơ man nào là khách. Cả bãi sông chặt ăm ắp người. Tất cả đều nín thở. Các cô gái lấy tay bưng mặt. Những bà già run khập khậy. Trẻ con cứ hét lên mỗi lần dây chao như đưa võng. Thật là khủng khiếp. Pháo vẫn nổ. Cô dâu chú rể đã gặp nhau. Họ trao hoa, trao bia cho nhau rồi cùng uống. Hấp! Khán giả rú lên, nhưng liền đó thở phào hoan hỉ. Họ đã ôm nhau đứng dưới đất giữa tua tủa gươm giáo.

Đám đệ tử của Sơn Nam vui thích ra mặt. Chúng nó sung sướng vì từ nay chủ nó đã có vẻ chững chạc. Đàn ông mà thiếu một bà vợ xem ra chống chếnh lắm. Nhưng việc đó chưa quan trọng. Điều làm cho chúng hoan hỉ nhất là đinh ninh sẽ được nghỉ xả hơi một thời gian dài cho thầy với phu nhân hưởng tuần trăng mật. Nhưng chúng lầm to.

Sau lễ cưới hai ngày, Sơn Nam lại hạ lệnh lên đường.

Trong gánh thuốc, ngoài người vợ trẻ chiếm địa vị độc tôn trong sự ưu ái của thầy, thì Lãm là người được Sơn Nam dành cho một tình cảm đặc biệt hơn cả. Trước hết bởi Lãm là người chăm học và lam làm. Anh đã cứu nguy cho toàn gánh những khi chiếc xe Đột giở chứng dọc đường. Anh còn là tay thợ tận tụy làm ra những dụng cụ cầu kỳ để biểu diễn. Lãm là con người khác hẳn bọn trong gánh, không ăn chơi, không hung hãn. Lãm sống âm thầm nhưng không thấp kém, lễ phép nhưng không cúi luồn. Có lẽ trong đời Sơn Nam, bây giờ mới tìm thấy đây là thằng học trò lý tưởng. Lãm ý thức được điều đó và cố gắng tận dụng. Bất kỳ lúc nào anh cũng có thể hỏi và Sơn Nam đều không tiếc lời chỉ bảo. Dần dần chính Sơn Nam cũng ngạc nhiên về sự thông minh nhanh nhẹn của người học trò này. Mới gần nửa năm mà võ nghệ của Lãm được xếp vào bậc thứ năm trong đám học trò.

Thời gian này sách “chưởng” của Kim Dung tràn ngập thị trường Đà Nẵng. Một không khí “chưởng” sùng sục trong sinh hoạt của lớp trẻ đến mức Sơn Nam cũng giật mình thấy rằng nếu không theo mốt “chưởng” thì chẳng còn danh tiếng gì nữa. Thế nên Sơn Nam mải võ quyết định thay chữ “võ sư” mà bấy lâu đám học trò cố tình tâng bốc thành một tên gọi “Băng chủ”. Kều Loan cũng không ưa đám lâu la gọi mình là phu nhân nữa mà khiêm tốn xin nhận làm “tiểu muội”. Thế là trong gánh thuốc đột nhiên nhí nhố những tên gọi mới nghe quái gở đến tức cười “Trình Băng chủ” “Thưa tiểu muội”, “Nhất đệ, nhị đệ, tam đệ, tứ đệ v.v...” Bầy học trò có mười hai người. Nhưng đến “thập đệ” là hết, vì chẳng lẽ lại xưng “thập nhất đệ... thập nhị đệ”. Nguyễn Viết Lãm được mang tên mới Nguyễn Ngũ Đệ.

Sơn Nam quí Lãm bao nhiêu thì Kiều tiểu muội cũng quý anh bằng ấy, có khi còn hơn. Ngoài những giờ học với thầy, Lãm thường được Kiều Loan mách bảo thêm cho những thế võ hiểm mà trong đám học trò ngoài cô ra không ai được Sơn Nam truyền dạy cả. Xưa nay luật dạy võ là thế. Thầy bao giờ cũng là thầy. Dù có quý trò đến đâu cũng không bao giờ truyền hết. Nhưng với Kiều Loan, cái ưu thế đàn bà thường phá bung mọi khuôn phép. Vả lại Sơn Nam tự lý sự rằng, dù Loan có giỏi bằng mấy cũng là con gái. Võ nghệ đâu chỉ có miếng, có thế mà phải cần có sức nữa. Về phía Lãm, nói cho thật công bằng anh chẳng ưa gì cô gái đỏng đảnh kia. Con gái mà theo đòi võ nghệ đã khó coi rồi, lại bằng ngần ấy tuổi mà cũng ăn trên ngồi trốc, sai phái nạt nộ đám học trò thì coi chướng quá. Nhưng Lãm tuyệt nhiên không biểu lộ thái độ. Hơn nữa sức mấy mà quan tâm đến những chuyện quái gở trên đời này. Miễn sao học cho được những miếng võ cao cường. Ý chí đó ngày đêm cứ sùng sục đốt cháy tâm can Lãm. Thế nên Lãm không tiếc một nụ cười đáp lại vị nữ đệ nhất kia. Và nếu có điều kiện là anh tìm cách gần gũi.

Ngày qua rồi ngày lại đến. Thời gian vốn là của quý. Nhưng thời gian cũng nguy hiểm, và trớ trêu thay, Lãm khó mà giải thích được từ bao giờ trong cái chuỗi thời gian lê thê đó, anh lại đi đa mang mối cảm tình với Kiều “tiểu muội”. Còn gì hốt hoảng bằng khi tự bắt được quả tang sự ám muội trong lòng mình. Cuộc sống anh đột nhiên thoảng thốt như lúc nào cũng găm mũi dao vào bụng, lúc nào cũng bước chênh vênh trên dây. Nếu Sơn Nam biết được?... Bất giác Lãm rùng mình. Anh cố tình lơi ra, cố tâm lảng tránh mũi dao kia. Anh cắn chặt ham muốn, tự trấn áp mình như thế võ lùi, xuống tấn. Những lúc như thế, hình bóng “con rắn độc” lại hiện lên. Anh cầu viện nó, Bởi chính nó – con rắn độc Kim Chi ấy – là bài học sâu sắc nhất về sự nhục nhã của đam mê. Nhưng ác thay, Kim Chi không giống Kiều Loan. Kiều Loan đối với anh không hống hách, không trêu cợt. Trong ánh mắt của vị “tiểu muội” này có cái gì đó rực lên như ánh lửa và ảm đạm như làn mây. Ánh mắt đó như hiện thân toàn bộ phần hồn của Lãm. Anh càng hốt hoảng hơn và cầu khẩn đến Khánh Hòa. Ừ, Khánh Hòa mới gần gũi làm sao, mới dễ tin làm sao! Khánh Hòa – nỗi nhớ ấy ấm áp quá! Nhưng Kiều Loan là Kiều Loan, vẫn không có gì thay thế được. Kiều Loan không có cái nhìn dè xẻn, thăm dò như cô em hàng sắt ấy. Kiều Loan đến với anh bằng sự liều lĩnh vốn có của con nhà võ. Điều đó rất hợp với tính cách của Lãm.

Lãm cố tính lảng tránh. Nhưng thà đừng như vậy có khi lại hơn. Kiều Loan đột ngột phờ phạc, âm thầm. Ánh mắt cô lơ đễnh như đang mang bệnh nặng. May mà Sơn Nam rất vụng trong môn “tâm lý học”, hơn nữa Băng chủ vốn không ưa săn sóc vợ.

Những ngày Tết, đấy là cơ hội làm ăn to nhất trong năm. Toàn gánh thuốc nhổ trại lên đường. Đi một vòng những nơi đã đi bao lần trước, đi rộng ra những vùng nông thôn, đi quanh quẩn như kiến bò cành cụt. Cuối cùng lại dừng chân ở Huế. Gánh thuốc cắm trại ngay bên sông Hương. Ngày diễn trò bán thuốc, đêm xuống thuyền chơi đĩ. Ra giêng tháng rộng ngày dài.

Dĩ nhiên đó là cách nghĩ của đám lâu la, học trò. Họ chẳng chịu trách nhiệm gì cả. Còn Sơn Nam, ông chủ của toán người, kẻ cầm trong tay sự tồn tại của cả toán thì lo lắng thực sự. Thuốc bán ế ẩm. Người xem nhờn mặt. Tiết mục cũ quá không còn làm cho thiên hạ sửng sốt nữa. Có những ngày diễn trò từ sáng đến quá chiểu mà chỉ bán được vài viên thuốc. Bữa ăn trong ngày giảm xuống rõ rệt. Mỗi người chỉ được phát một chiếc bánh chưng.

Sơn Nam chán nản bỏ mặc đám học trò đang làm ảo thuật giữa bãi, ủ rũ đi ra đầu xe ngồi bệt xuống như một quả bóng xì hơi. Lãm bước sẽ đến ngồi bên cạnh.

- Băng chủ!... Tình hình này xem ra không ổn... Đừng biểu diễn nữa.

Sơn Nam ngước mắt nhìn thằng học trò. Dù sao trong bọn lố nhố kia cũng có đứa biết lo toan cái lo của chủ. Bởi thế Sơn Nam càng mến Lãm hơn.

- Em bảo nên thế nào?

- Em chợt nghĩ thế này, không biết Băng chủ có ưng không?

Lãm liếc mắt về phía đám khán giả đang cười hô hố kia như sợ họ nghe thấy. Anh ghé miệng thì thào vào tai Sơn Nam. Đôi mắt Sơn Nam chợt sáng lên. Một cái vỗ vai đau điếng người xán xuống vai Lãm:

- Tuyệt. Nhưng chọn ai?

- Băng chủ cứ chọn em...

Mắt Sơn Nam chớp chớp ra dáng cảm động. Nhưng bản tính con nhà võ vốn ít tình cảm. Băng chủ đứng dậy đi nhanh ra bãi:

- Thưa quý “dị” đáng lý chúng tôi còn tiếp tục mua “dui” cho quí “dị” thêm vài hồi nữa, nhưng vì có khách lớn vừa đến nhắn sẽ mua hết chỗ thuốc của chúng tôi. Khách ấy ở Sài–goòng mới ra, đã từng biết công hiệu kỳ lạ của loại thuốc này. Thế nên Sơn Nam mải võ xin tạm giã từ quí “dị”. Hẹn hôm sau sẽ tái ngộ.

Chấm dứt bài diễn văn tự bịa. Sơn Nam vẫy tay cho tất cả lên xe. Đám học trò ngơ ngác nhưng không dám chậm trễ. Xe nổ máy lao ra mặt đường giữa lúc khán giả còn chưa kịp giải tán. Xe cua tay mặt, phóng về phía cầu Tràng Tiền. Đột ngột từ bên kia đường trong một quán giải khát có một thanh niên chạy băng qua. Chẳng hiểu có chuyện gì gấp gáp đến mức ấy. Vừa lúc chiếc xe Đốt vù đến. Người đi đường hét lên thất thanh. Khán giả ở phía sau cũng ào lên. Chiếc xe đã phanh kịp thời nhưng tai nạn vẫn không sao tránh khỏi. Người thanh niên bị “ba–đơ–xốc” húc ngã, nằm sóng soài trên vệ đường, máu tóe ra từ bả vai và đầu gối. Người xúm lại mỗi lúc một đông. Sơn nam bước xuống, ôm xác nạn nhân lên rồi dõng dạc tuyên bố:

- May quá, chưa chết! Thưa quý “dị”, thật là rủi ro, nhưng lỗi đâu có tại chúng tôi. Chắc quý “dị” cũng thấy rõ người thanh niên này hoàn toàn sai luật. Nhưng thôi, cứu người là trên hết đã. Dù ai sai, ai đúng cũng không bỏ mặc người. Nào, anh em, đưa thuốc xuống đây!

Giỏ thuốc được bê xuống. Bọn học trò xúm vào. Đứa thì hòa thuốc vào chén nước ép nạn nhân uống. Đứa thì cởi áo nạn nhân ra dùng thuốc xa bóp. Người xem mỗi lúc một đông. Đông hơn bất kỳ một cuộc tụ họp nào. Chỉ những người đứng vòng trong cùng mới thấy xác nạn nhân còn người ngoài chỉ túm tụm hỏi vọng vào. Thế rồi chừng ba mươi phút nạn nhân từ từ đứng dậy. Anh ta xin lỗi chủ xe. Anh ta lại cảm tạ thuốc thần. Rồi anh lặng lẽ bước đi về phía chợ.

Chẳng còn ai quan tâm đến anh làm gì nữa. Người ta giành nhau mua thuốc quý. Sơn Nam tuyên bố chỉ bán cho mỗi người ba viên thôi. Thế là xô nhau, đẩy nhau, chửi bới cãi vã om sòm. Có nhiều kẻ gian lận lộn vòng mua hai lần. Đám đông như vớ được của trời. Tiếng ồn ào náo động khắp bờ sông. Đấy là một ngày đại thắng của Sơn Nam mải võ. Chờ cho đến khi đám đông giải tán hết, số thuốc gói đã bán hết sạch, Sơn Nam mới cho xe chạy. Xe lao lên phía chợ Đông Ba. Không có vị khách Sài–goòng nào đợi cả. Chỉ có Lãm ngồi giấu mình bên cổng chợ trong cơn đau rát bỏng, ê chề.


Sau chiến công hiển hách ấy, Lãm được chủ ban thưởng đặc biệt. Sơn Nam cho riêng Lãm năm ngàn đồng và nhấc anh lên hàng đệ nhị. Và để xứng đáng với danh hiệu “đệ nhị mãi võ”, Lãm được Sơn nam cùng với Kiều Loan dành riêng cho một chương trình dạy võ ngoại ngạch. Dĩ nhiên Sơn Nam rất bận với công việc biểu diễn cho nên sau khi bảo ban có tính lý thuyết, hắn giao cho Kiều Loan hướng dẫn cụ thể. Đấy là những ngày chan chứa nhất của cặp tình nhân vụng lén.

Vào một đêm khi cặp tình nhân đang xoắn xuýt lấy nhau phía sau thành Đại nội thì bị bắt quả tang. Những kẻ lập chiến công lớn lao đó là Quân râu đệ tam và Chúc rồ đệ tứ. Từ lâu Quân râu vốn không ưa Lãm. Lý do đơn giản vì Lãm nhập môn sau Quân hai năm mà không chịu cung phụng bậc anh cả. Rồi dần dần Lãm chiếm được lòng tin cậy của chủ hơn cả bọn khiến cho Quân râu hậm hực, ngứa mắt. Đến khi Lãm được bất ngờ nhấc lên hàng đệ nhị, ngồi chiếu trên chỉ sau Băng chủ với Kiều đệ nhất, thì Quân râu, Chúc rồ tự thấy như một điều sỉ nhục không sao cam tâm nổi. Một ngày còn Lãm, chúng nó sẽ không cất mặt lên được. Thế nên cái việc đã xảy ra như một điều tất nhiên phải thế.

Một đêm khủng khiếp trôi qua trong sự câm lặng đến rợn người của Sơn Nam. Sáng hôm sau vẫn chưa có dấu hiệu phản ứng gì. Kế hoạch biểu diễn hoãn lại. Sự im lặng tới mức đông đặc, như cơn oi nực trước trận bão giông. Khoảng gần 9 giờ, bất ngờ Sơn Nam triệu tập “đại hội”.

Mỗi một người đều có thể tự tưởng tượng ra trong đầu một khung cảnh ghê rợn khác nhau của sự nổi giận. Mỗi người tùy theo vốn võ nghệ của mình mà hình dung ra một kiểu “xuống chưởng” của Băng chủ. Tất cả đều thấp thỏm, nín thở. Riêng Lãm, anh chẳng nghĩ gì nhiều. Một cảm nhận chua xót ngấm vào trí não anh làm cứng trơ mọi sự lo âu, hốt hoảng. Anh biết rằng đã dấn thân vào đây là đương đầu với những trò đùa nguyên thủy nhất.

Khi tất cả đã ngồi yên theo ngôi thứ, Sơn Nam bắt đầu nói. Giọng hắn bình tĩnh một cách lạ thường:

- Sự việc ai cũng đã rõ, tôi miễn nói lại. Chắc anh em nghĩ rằng tôi sẽ trả thù đệ nhị? Không. Vì nghĩa lớn mà trả thù mới là hảo hán. Vì chuyện riêng mà sát hại nhau chỉ là lũ tiểu nhân. Tuy vậy, một nước không thể có hai vua. Một người đàn bà không thể có hai chồng cùng sống một chỗ. Hoặc Đệ nhị sẽ thay tôi thống lĩnh anh em, hoặc chúng ta sẽ không còn Đệ nhị nữa. Tôi rất quý Đệ nhị, điều đó chắc anh em đều rõ. Nhưng trong giới võ lâm, tình cảm và lý trí phải rõ ràng. Vậy tôi tuyên bố thế này...

Băng chủ ngừng lại, chậm chạp đứng lên. Cả đám người hồi hộp đến tắt thở.

- Mời Kiều đệ nhất đứng ra làm trọng tài. Tôi Sơn Nam mãi võ sẽ thi đấu với Nguyễn Đệ nhị. Ai thắng sẽ thống lĩnh tất cả. Bắt đầu!

Cả bọn sững sờ, ngơ ngác. Trò chơi này còn quái đản hơn bất kỳ tiết mục nào, kể cả thọc dao vào cổ hoặc lao người ra trước đầu xe. Chỉ còn cách chồm người, ra bò lê sát mặt đất, kêu gào dưới chân Băng chủ may ra người rủ lòng thương mà hủy bỏ cuộc trừng phạt oái oăm kia đi. Cả bọn, kể cả những kẻ đã đang tâm săn tìm Lãm đêm qua bây giờ cũng tái xanh mặt mày, Kiều Loan run lẩy bẩy, mồm ríu lại nói không thành câu:

- Lạy Băng chủ... lạy... anh...

Nhưng Sơn Nam mải võ đã đứng lên, sửa sang lại áo quần và nhẹ nhàng đi đến vị trí thi đấu. Cả bọn hớt hải nhìn Lãm. Quỳ xuống đi! Bò đến sát chân Băng chủ đi! Ai cũng cuống cuồng giục gọi trong lòng như vậy. Nhưng Lãm vẫn ngồi nguyên, mặt cúi gằm. Thế rồi đột ngột anh đứng dậy, uể oải nhoẻn một nụ cười khô héo. Chậm chạp như bước vào cửa chết, Lãm lê gót chân đi đến vị trí của mình. Băng chủ nhìn anh gật đầu vẻ hài lòng.

Hai người – một thầy một trò, một chủ một tớ - dừng lại một tý rồi Sơn Nam xoay người lên phía trọng tài khẽ cúi chào, lại quay về những kẻ ngồi dưới cúi lần nữa. Lãm cũng làm theo y như một kẻ mất trí. Sau đó hai bên nhìn nhau, Sơn Nam khẽ nheo một mắt, nói:

- Đừng uể oải thế! Con nhà võ bất kỳ tình thế nào cũng phải lồng lên, sắp chết cũng lồng lên, nhớ chưa?

- Dạ...

- Vô đi!

Lãm tiến vào miễn cưỡng như có ai xô giúi từ sau lưng. Dáng bộ anh không có một chút gì là con nhà võ nghệ. Nhưng mặc kệ, từ phía trước mặt một cú “thôi sơn” nhanh như tia chớp đã hất bật anh ra. Đau như đứt ruột. Cái đau là liều thuốc kỳ diệu làm cho Lãm bừng tỉnh. Sơn Nam xông tới giáng như một nhát chém xiên chéo qua cổ anh. Kiều Loan rú lên. Nhưng Lãm đã ngồi thụt xuống, văng mình qua trái. Không ngờ thằng học trò lại tránh được miếng chém hiểm đó, Sơn Nam trợn mắt lao tới. Lãm bước giật lùi, co gập bụng lại. Không còn thời gian để chán nản, để tuyệt vọng. Không còn ranh giới cho nỗi tủi hờn và sự hài hước cấu xé nhau. Hơn cả đứng trên dây hoặc đưa ngực ra đỡ mũi kiếm sắc, ở đây anh đang đứng trước những cú đấm tổng lực của một võ sư từng lừng danh suốt một thời. “Hụp”! “mậy”. Những cú đấm phóng ra như gió. Những người ngồi ngoài vã mồ hôi trán. “Hực”! Trúng rồi! Cú móc lên nghe giòn như bát vỡ. Máu ở miệng Lãm trào ra. Nhưng đúng vào lúc Sơn Nam quá chủ quan vì thấy đối phương hộc máu thì nhanh như một xoẹt lửa, Lãm quay mình xây lưng lại phía thầy. Một cú đánh bằng cùi tay cộng với lực xoay của cơ thể làm cho Sơn Nam choáng váng. Đầu hắn tóe lên một ý nghĩ: “A, thì ra con mẹ ấy đã truyền cho nó miếng này!”. Lợi dụng lúc thầy còn chếnh choáng, Lãm nhảy chồm tới công thêm quả móc nữa. Nhưng anh không thể nhanh bằng Sơn Nam. Hai tay Băng chủ khép lại giữa mặt. Quả đấm của Lãm như táng vào một khối thép. Đau quá Lãm lùi ra. Không kịp! Một cái gì đó sắc lạnh như khối nước đá đổ òa lên thái dương anh. Cú đánh độc đến nỗi những người ngồi ngoài không hề nhìn thấy. Lãm nằm như ngủ. Tảng băng lạnh đang tan từ phía trên đầu lênh láng ra khắp cơ thể. Giá như cuộc đời cứ được như thế mãi thì tốt biết bao...

... Nhưng cuộc đời vẫn đánh thức anh dậy. Lúc đó hoàng hôn đã buông mờ thành Huế. Lãm tỉnh dậy và cảm nhận đầu tiên của anh là mình đã bị bỏ rơi. Nhưng anh không hề buồn, chưa đủ tỉnh táo để buồn. Lãm vẫn khép mắt nằm im. Có những bước chân sát cạnh anh. Tiếng xì xào bàn tán. Ai đó buột miệng than vãn: “Thiệt khốn khổ cái giống xì ke...”. Lãm biết người ta đang nhòm ngó mình. Từ sáng đến giờ hẳn đã bao nhiêu người xúm lại ngắm nghía. A ha, mình là thằng xì ke! Cái thứ đó ra làm sao nhỉ?

Có cái gì cồm cồm phía dưới mạng sườn. Lãm lần lần bàn tay xuống đó. Rồi anh cố mở mắt ra. Cái gì thế này? Một chiếc khăn tay nhỏ. Kiều Loan! Đúng cái hương vị thoang thoảng của nàng ẩn trong làn vải ấy nữa anh cũng nhanh chóng nhận ra. Lãm thấy ngây ngất. Anh cố kéo chiếc khăn mặt lên. Từ trong gói khăn rơi ra mấy viên thuốc. Trời ơi, Kiều Loan! Kiều Loan! Bây giờ thì anh đã hiểu. Lãm cố sức ngồi dậy và mở gói khăn ra. Tất cả là mười viên.

2

“Anh!...

Em có trở lại Đông Hà trong một đêm tối trời, gặp ba gặp mạ mà không gặp được anh. Em được nghe mạ kể lại chuyện bữa chúng nó khám nhà mình và anh buộc phải ra đi. Rứa là cùng một ngày ba mạ thiếu em rồi thiếu luôn cả anh nữa. Nghĩ thương ba, mạ quá. Thương cả anh nữa. Giờ ni anh ở đâu, anh Lãm? Có điều chi bất hạnh đến với anh không?...”

Giờ này thì Lãm đang ở trong ngôi nhà lợp nứa đã rách nát trên nóc và hai mái. Lá thư Khánh Hòa nằm trong tay anh, lá thư mà người mẹ cố tình cất giữ vì tin rằng sớm muộn chi anh cũng tìm về với gia đình. Tin tức đầu tiên mà ông Trương Phú loan báo cho anh là đừng dùng cái tên Nguyễn Viết Lãm nữa. Trong sổ đen của quận cảnh sát đã có tên ấy. Chúng nó đã lần ra được rằng, có một người thanh niên ở trong nhà Khánh Hòa. Người thanh niên ấy thường ra bến xe đón Khánh Hòa mỗi lần cô ta đi cất hàng nơi xa về. Người ấy cũng biến mất sau khi Khánh Hòa bị lộ buộc phải thoát li. Dù là bộ óc ngu si nhất cũng có thể đưa ra một kết luận, người thanh niên ấy phải là đồng chí của nữ Việt cộng nằm vùng. Người đó mang căn cước Nguyễn Viết Lãm.

Lãm vừa thấy chờn chợn lo lắng, lại vừa thấy hài hước. Anh mà là đồng chí của Việt cộng ư?

“... Anh Lãm ơi, anh có giận K.H. không, bởi ngần ấy tháng ngày ở trong gia đình mà em không hề nói cho anh biết công việc của em. Không phải em không tin anh đâu. Em đã sớm nhận ra anh là một người có bản lĩnh. Anh không giống bất cứ gã con trai nào trong cái thị trấn hỗn loạn đó. Mà đâu phải chuyện giả vờ. Người ta khó ai giả vờ được hoài, phải không anh? Nhưng nói thiệt tình, cho đến phút này em vẫn không thể hiểu nổi anh là ai? Ở đâu đến? Ngay cả cái tên Nguyễn Viết Lãm nữa đã chắc chi trúng tên anh? Đôi lúc em rùng mình vì một ý nghĩ, biết đâu anh lại là một nhân vật quan trọng của những lực lượng đang săn tìm em? Nhưng rồi em cố gạt ý nghĩ ấy đi. Anh là người tốt. Nhất định thế. Mặc dù em chẳng biết chi nhiều về cuộc đời anh cả. Thế rồi đến hôm nay nghe mạ kể lại việc anh tẩu thoát khỏi cuộc vây lùng của cảnh sát thì em bỗng thấy thương anh quá. Anh có biết em thương anh đến dường nào không?...”

Lãm trở lại nhà Trương Phú đã hơn một tuần. Theo lời dặn của gia đình, anh tuyệt nhiên không ra khỏi cửa. Hàng sắt cũng được dọn ra chợ, không bán trước cửa nhà nữa. Tuy vậy Lãm vẫn thấy không yên tâm. Công việc làm rất hạn chế. Thêm một suất ăn trong gia đình lúc này là thêm một gánh nặng. Lãm loay hoay tìm một kế thoát thân. Anh trao đổi với Trương Phú, nhờ ông tìm cho một việc làm với cớ là tìm cho thằng cháu họ. Ông Phú đang cố sức chạy. Trong thời gian đó Lãm ngồi tẩn mẩn nghĩ cho mình một cái tên mới. Họ thì đương nhiên phải lấy họ Trương vì cháu ruột Trương Phú mà. Còn tên?... Sao khó thế nhỉ? Các mẹ đặt tên cho con thời dễ, người ta tự đặt cho mình quả là quá khó. Lãm vô tình lục lại trong trí nhớ những cái tên xa xưa. Hoàng Lạng.. Ngô Sĩ Lạng... Nguyễn Viết Lãm.. Mỗi một tên khắc ấn một vết đau. Nếu cứ thế, tốt hơn hết đừng mang tên họ gì cả, sống ngoài gia phả, ngoài hồ sơ, ngoài những điều kiện sinh tồn xã hội. Một nỗi hằn học quẫy dậy. Lãm thấy căm uất tất cả. Mình chỉ là hòn sỏi trên dặm đường đời mà thôi. Mình là hòn sỏi... Đau chưa? Tôi tên là Trương Sỏi! Lãm kêu lên bất ngờ và bật cười ngất ngưởng.

“... Em thương anh, lo cho anh nữa. Anh hãy tin như vậy. Nhưng anh phải nói thiệt với em đi, anh là ai thế? Có thể anh sẽ bực mình vì câu hỏi lẵng nhẵng của em. Nhưng anh có biết không, em chỉ ao ước có một điều, anh hãy làm người tốt như vậy mãi mãi để em đừng buồn, đừng thất vọng. Mãi mãi anh là người tốt nghe anh Lãm!...”.

A ha, anh là người tốt. Anh là Trương Sỏi, em có biết không? Lãm lăn ra trên giường cười như một thằng say.

Lúc đó có lẽ khoảng nửa đêm. Lãm chợt giật bung người ra khỏi giường vì một tiếng la thất thanh. Cái phản xạ đầu tiên khiến anh hốt hoảng là cảnh sát. Nhưng chỉ vài giây sau Lãm đã nhận ra rằng đấy chỉ là một toán cướp. Lãm lao mình ra phía cửa. Bất ngờ một cú đám giáng thẳng vào ngực anh. Cú đấm chưa đủ lực làm anh ngã. Lãm định thần trở lại. Một cánh tay quàng siết qua cổ anh cùng đồng thời với tiếng quát rít trong kẽ răng:

- Muốn sống đứng yên!

Lãm mặc kệ cho cánh tay kẹp siết ở cổ, anh đảo nhanh mắt nhìn một vòng. Trong màn đêm lờ mờ, anh vẫn có thể nhận biết được mấy bóng đen hì hục khuân đồ đạc. Có hai đứa cao kẹp giữa hai người lớn trong gia đình. Một đứa khác đè cổ thằng em trai trên giường. Thế là rõ. Lãm chợt bật tiếng cười khô trong cổ. Cánh tay của tên cướp siết mỗi lúc một chặt thêm. Có cảm giác lành lạnh ở dưới sườn. Lãm biết đó là mũi dao nhọn. Trước hết phải tránh mũi dao đã. Lãm vờ nghẹt thở xỉu người xuống. Tên cướp buộc lòng phải khom người theo. Lãm thả lỏng cơ thể bẹp xuống như một đống thịt không xương. Tên cướp thấy nặng quá phải chống cả tay cầm dao lên nền đất. Vào thế rồi! “Bung!”. Một cú xoay nhanh như nhào lộn. Tên cướp văng ra xa, loạng choạng ngã. Nhưng nó đã kịp gượng dậy. Phía sau lưng Lãm đột ngột lao sầm đến một tên khác trong lúc anh còn khom người dưới đất. Lợi dụng luôn thế đó, Lãm giật lùi người. Tên phía sau bị mông anh thúc vào bộ hạ, đau nhói người, bổ sấp lên lưng anh. Vào thế! Lãm quờ tay lên vít lấy xương vai. Vút! Hực! Cú đánh kết hợp giữa mông và tay giật đã quẳng chéo tên phía sau lên đằng trước. Cả khối thịt rơi đánh “rắc” một phát vào tên cướp đang lom khom phía trước Lãm. Bọn bên ngoài lao chạy. Lãm quờ tay tìm hộp quẹt. Đèn sáng lên. Căn nhà ngổn ngang hòm xiểng, áo quần. Thằng cướp nằm sấp mặt, máu rỉ ra giữa nền đất. Lãm lấy chân hất ngửa nó ra.

Thằng cướp chừng hăm ba, hăm bốn tuổi nhưng ria mép chừa rất dài. Chiếc cằm nhọn xuống như cái bướu. Hai môi đỏ lòm máu. Nó mở mắt trừng trừng nhìn Lãm. Anh nhổ toẹt xuống một bãi nước miếng rồi quay lại phía ông bà già lúc này ngồi bất động như chết rồi.

- Chú thím dọn dẹp lại đi. Coi thử chúng nó đã lấy được cái chi chưa?

Ông Trương Phú như bừng tỉnh khỏi cơn mê, lồm cồm đứng dậy. Ông rên rỉ như sốt nặng, hai chân hai tay cứ luống cuống. Lãm bê đèn đi khắp nhà giúp ông dọn dẹp. Bà mẹ cũng tỉnh dần lại. Cả cậu em út nữa. Tất cả bổ nhào đi lục lại đồ đạc của mình. Chừng nửa tiếng thu dọn họ mới thực sự yên tâm vì thấy kẻ cướp chưa kịp khuân thứ gì cả. Thực hú vía.

Trong thời gian đó Lãm nghĩ nhanh đến một hậu quả có thể rất tai hại cho mình. Bọn cướp có thể báo với cảnh sát tung tích anh. Anh không thể nán thêm ngày nào trong ngôi nhà này nữa. Nhưng nếu anh đi thì bọn này sẽ quay lại báo thù kiểu như nhà ông Cống dạo trước.

Lãm quay lại chỗ tên cướp bị thương. Hắn đã qua cơn đau đớn và hốt hoảng. Nhìn ánh mắt lấm lét của hắn, anh biết thằng này đã khỏe nhưng vẫn giả vờ nằm để tìm kế tẩu thoát. Lãm kéo một chiếc ghế lại ngồi xuống bên hắn, cố ghìm giọng thật khẽ:

- Ngồi dậy!

Thật là bất ngờ, thằng cướp ngồi vọt dậy một cách khỏe khoắn. Hai mắt hắn nhìn Lãm một cách hoảng loạn tưởng như sắp bị đưa đi xử bắn. Lãm nhếch một bên mép đầy vẻ giễu cợt rồi ném xuống hai viên thuốc.

- Một viên xoa, một uống. Nhớ lấy câu này, hễ còn đụng đến ngôi nhà này thì cố nội mày sẽ cho mày nhừ xương.

Tên cướp sáng mắt lên vì tin chắc được thoát. Hắn cố gượng cười, một kiểu cười nhão nhoẹt:

- Dạ... lạy lay... đại ca. Đại ca có... có thể cho bọn đàn em... biết quý... quý danh?

- Tao là Trương Sỏi. Đệ nhị mãi võ. Cánh tay đắc lực của Băng chủ Sơn Nam. Mày cứ nhìn mấy viên thuốc gia truyền kia là đủ biết. Chú đây là chú họ tao. Từ nay tao ở đây. Hoặc nếu tao có đi vắng ít ngày thì đừng có ngu dại dắt nhau đến đấy. Nếu hỗn láo đừng trách ta độc ác.

Tên cướp đột ngột quỳ bẹp hai chân, rập người xuống lạy sát đất. Cử chỉ bất ngờ quá suýt nữa làm Lãm bật cười.

- Muôn lạy Trương đại ca! Nghìn lạy Đệ nhị mãi võ. Bọn đàn em có mắt như mù dám vấy bụi lên chân đại ca. Trăm nghìn lần mong đại ca lượng thứ...

Lãm bỗng thấy buồn nôn vì cái lối xưng hô tréo cuống họng ấy. Nhưng anh biết việc đó có lợi cho gia đình Trương Phú nên cố chịu đựng.

- Thôi, cút đi! Nhớ truyền cho nhau biết lời ta dặn.

- Dạ...

Đi đâu bây giờ? Còn có chỗ nào yên ổn nữa? Chao ôi, người đời họ ước mơ bao nhiêu điều cao sang, mong mỏi bao nhiêu chuyện phi thường, thế mà khối kẻ vẫn đạt được. còn mình, mình chỉ ước được yên ổn, dù làm thuê, làm mướn, dù ăn muối ăn dưa miễn sao yên ổn. Thế mà đến hôm nay hoàn toàn vô hy vọng. Suốt đời mình chẳng hành hạ ai, chỉ mong có một điều đừng bị ai hành hạ. Nhưng rốt cuộc có thoát nổi đâu.

Lãm vừa đi vừa ngẫm nghĩ. Cuộc đời là cái chó gì? Là cạm bẫy, là trò đùa, là tâm địa độc ác với nhau. Có đất nào cho ta dung thân không?

Có. Nhưng muộn mất rồi. Lãm tự khẳng định và cảm thấy chua xót. Nỗi chua xót kết tủa trong anh, hành hạ anh. Anh nhận ra nó như kẻ bạc tình xáp mặt với vợ cũ. Đã một thời, hầu như xa lắm rồi, xa vời vợi ấy (thực ra mới cách đây hai năm) anh đã sống một cách êm ấm. Thời của “chiếc khắn piêu thêu chỉ hồng...”. Anh đã đánh mất nó mất rồi. Anh bỏ mất như người nghèo đánh rơi của quý. Rơi một đằng mà đi tìm một nẻo. Tìm đâu ra sự yên ổn ở phía bên này.

Lãm bơ vơ đi tìm kiếm một chỗ dung thân với hy vọng như kẻ mê tín trông chờ may rủi. Giờ thì anh đã khẳng định cái may không dành cho anh. Không bao giờ, mãi mãi về sau cũng thế, Lãm cắn chặt hai hàm răng. Không hy vọng nữa! Không chờ đợi nữa! Tất cả chỉ là trò ảo thuật. Nhưng phải sống! Sống bằng cách nào đây? Phải tự mình vực dậy! Tự mình gây dựng nên thôi, không chờ ai hết. Nhưng vực dậy bằng cách nào? Gây dựng cái chi mới được chứ? Lãm vung ta ra trước mặt như cố giải thoát khỏi tâm trạng bế tắc. Điên tiết, anh nhảy phốc lên vừa đá vừa đấm tung vào không khí!

- Trương đại ca!

Lãm giật bắn mình đứng sững lại. Một tóan năm, sáu thằng con trai như từ dưới đất chui lên vây ập quanh Lãm. Anh nhận ra ngay tên cằm nhọn, ria mép dài. Định phục thù chăng? Lãm lùi người về thế tấn.

- Muốn gì?

Cả bọn kia cũng lùi lại, mắt nhớn nhắc nhìn tên cằm nhọn. Thằng này nói tiếng cà lăm:

- Ấy đư...ừng! Bọn em muốn... muốn được tiếp đại... đại ca...

“Có thể thế thật”. Lãm khẳng định ngay vì nhìn mắt đứa nào cũng hốt hoảng.

- Dạ... từ hôm được mang ơn của đại ... đại ca, em về có nói... nói lại những điều đại ca dặn... Bọn đàn em này khao... khao khát muốn được tận mắt ngưỡng... mộ vị Đệ... đệ... nhị mải võ của Sơn Nam...

- Thôi được rồi – Lãm khó chịu ngắt lời – giờ thì chúng mày cần gì?

Nét mặt tên đầu đảng rạng rỡ hẳn lên:

- Dạ... ở đây có cái qu...án... rượu rất ngon... Mời đại ca...

- Thôi, miễn trò ấy. Ta không biết uống rượu.

Xem ra có vẻ thân mật. Cả bọn ùa đến vây quanh Lãm:

- Lạy... lạy đại ca...

- Trình với Đệ nhị mãi võ...

- Dạ bọn đàn em đây...

Một lô một lốc những lời lẽ nịnh hót mà Lãm không có cách gì nghe lọt vào tai được. Tuy vậy anh vẫn đứng yên. Sự ghê tởm xen lẫn chút kiêu hãnh. Ừ, từ ngày vào đất Đông Hà, cái bọn bụi đời này luôn luôn nhìn mình bằng con mắt khinh miệt. Giờ thì lại quỳ xuống, lạy bẩm. Giả tạo quá! Tởm lợm quá! Nhưng cũng hay hay. Đôi khi con người ta sống được nhờ chút thỏa mãn với sự giả tạo của xung quanh. Thế nên mặc dù vẫn lắc đầu quầy quậy nhưng hai chân Lãm lại không cưỡng nổi những cú xô đẩy và nhặng xị những lời mời mọc. Cả bọ kéo ào vào quán rượu “Cẩm Linh”.

- Cho chai “na – pô”. Sáu đĩa gan xào!

Tên râu mép dài gọi mà không thèm nhìn vào quán. Cả bọn ngồi tràn xuống như một bầy vịt quây quanh chiếc máng tép. Rượu “na – pô – lê – on” rót tràn chén phả mùi ngây ngây. Gan xào nóng hôi hổi. Cả bọn chụm đầu lại nhai và chụm đầu nói chuyện. Chúng cố tình nói khẽ nhưng thỉnh thoảng vẫn bực ra tiếng cười hô hố.

- Em tên là Quản. Gọi là Quản nhọn vì cái cằm em đây này... Từ trước đến nay, em được bọn này yêu mến tôn làm đại ca. Nhưng con đom đóm không dám đùa trước anh mặt trời. Từ nay nếu đảng “Đào lưu” này có được uy danh của Đệ nhị mải võ thì phúc lớn tày đình cho bọn em quá...

Lãm chẳng nghe nổi mà cũng chẳng hiểu được thằng nhiều râu mép đang nói cái gì. Phần vì lời lẽ chúng nó rắc rối cong queo quá. Hơn nữa rượu mạnh làm tai anh ù đặc. Chao ôi, cả đời bây giờ mới uống rượu. Lại phải uống nhiều nữa. Đất trời như lộn tùng phèo với nhau. Những tiếng “Đệ nhị” “đại ca” “phúc lộc” “hảo hán” cứ rủng roảng như xóc đĩa trong đầu. Chẳng hiểu gì hết nhưng mà khoái. Lãmchỉ biết có một điều, bọn này đang bái phục mình. Tất cả những thằng có máu mặt ở đất này đang xu nịnh mình. Rồi cả cái miền Nam này sẽ hết hồn vì mình... Có thế chứ! Có thế chứ! Cúi đầu mãi được sao! Uống nào! Đệ nhị nào! Hảo hớn nào! Râu mép dài nào!... Sợ đếch gì mà không uống...

Sau này, có những lần cố bình tâm nghĩ lại, Lãm chợt bâng khuâng không biết bằng con đường nào mình trở thành trưởng đảng cướp, cũng như trước đó nữa, chẳng hiểu sao mình lại vượt tuyến vào Nam. Sau này, vào cái thời mà sự thơ ngây thực thà trong đầu Lãm đã cạn, nhường chỗ cho những canh bạc, thuốc phiện và cướp giật, thì hắn đổ hết cho sự ngẫu nhiên. Đời là ngẫu nhiên. Tính tóan cũng bằng thừa.

Xuân Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

nguoivietxaxu