Giáng sinh ở Trung và Đông Âu

Cùng là những nước Trung và Đông Âu, nhưng trong đêm Giáng sinh, người Séc và Hungary cùng ăn canh cá, người Slovakia lại ăn súp rau cải còn ở Ba Lan, đó là món súp củ cải đỏ.
 Giáng sinh ở trên thế giới luôn có những điểm giống và khác biệt. Chỉ trong một số nước Trung và Đông Âu, sự khác biệt và tương đồng đã được thể hiện rõ. Với lịch sử cùng nằm trong đế chế Áo-Hung, các nước Séc, Áo và Hung có tục lệ đón Giáng sinh khá giống nhau trong khi Ba Lan và Slovakia lại mang hơi hướng Đông Âu hơn. Nhưng điều bất ngờ nhất lại chính là việc người Nga không mừng Giáng sinh.

Áo – Weihnachten
 Người Áo đón mừng Giáng sinh từ rất sớm. Vào ngày 1.12, trẻ em nơi đây đều được nhận lịch Adventus, lịch có 24 ngày với 24 món quà nhỏ trước khi Giáng sinh đến. Ở thủ đô Wien, lễ hội còn bắt đầu từ ngày 18.11, những chợ Giáng sinh mở cửa bán đồ weihnacht,những quán rượu ngoài trời chống lại cái lạnh tê tái của mùa đông. Cũng trong tuần đầu của tháng 12, người Áo đốt ngọn nến đầu tiên trên vòng nến làm bằng cây thông, tương tự các nước láng giềng. Ngoài ra, họ cũng hái cành anh đào để đợi xem nó nở hoa và bắt đầu bói toán. Nói chung, phong tục đón Giáng sinh của người Áo rất giống với người Séc do sự gắn kết về lịch sử. Từ đầu mùa Advent, tức đầu tháng 12, các bà nội trợ trong gia đình phải nướng bánh ngọt. Đến ngày 24.12, bữa tối thường bao gồm các món cá và gà. Ăn uống xong, họ đốt nến và tặng quà cho nhau..


Ba Lan - Boze Narodzenie
giáng sinh, ba lan, vietinfo.eu
Súp củ cải đỏ, ảnh: aufeminin.
Trước Giáng sinh, Ba Lan cũng có tục đón mừng Adventus – mùa chờ Giáng sinh tới. Khi đó, trẻ em sẽ làm các thứ đồ trang trí để treo trên cây, còn ở dưới cây, người lớn để chút hạt giống dành cho Chúa. Người Ba Lan ăn Giáng sinh vào ngày 24.12, tuy vậy, đây vẫn là ngày làm việc bình thường nên đêm Giáng sinh của họ bắt đầu muộn hơn. Là một đất nước theo Thiên chúa giáo, người Ba Lan luôn chờ cho đến khi ngôi sao đầu tiên phát sáng trên bầu trời ngày Giáng sinh. Theo họ, đó là ngôi sao đến từ Bethlehem, nơi Chúa ra đời. Ai nhìn thấy nó đầu tiên thì có thể ngồi vào bàn và bắt đầu bữa tối.
Bữa ăn này thường có đến 12 món, tượng trưng cho 12 tháng trong năm và thường bắt đầu với món súp củ cải đỏ hoặc rau bắp cải, sau đó là cá hoặc gà tây. Trước khi ăn, họ tặng quà nhau và đương nhiên là cầu nguyện. Sau bữa ăn, người Ba Lan thường đến các nhà thờ. Vì là dân tộc theo đạo, các nhà thờ vào đêm thiêng liêng này đều chật cứng.
Vòng nến Advent tượng trưng cho 4 chủ nhật trước Giáng sinh, ảnh: Novinky.
Vòng nến Advent tượng trưng cho 4 chủ nhật trước Giáng sinh, ảnh: Novinky.

Séc và Slovakia – Vánoce

Mặc dù từng là một đất nước chung, nhưng người Séc và Slovakia không ăn Giáng sinh giống nhau hoàn toàn. Cũng là nước Đông Âu, vì thế Séc và Slovakia đều nướng bánh ngọt vào mùa Giáng sinh, trang trí cây thông, nhà cửa bằng vòng nến làm bằng cành thông, hái lộc bằng cành anh đào và chờ hoa nở vào đêm Giáng sinh, rơi vào 24.12. Đây là ngày thiêng liêng, vì thế người Séc và Slovakia chỉ ăn mừng cùng gia đình. Cả ngày họ phải nhịn ăn để đến đêm có thể bắt gặp con lợn vàng và được no đủ cả năm. 
giáng sinh, séc, vietinfo.euCá chép rán là món truyền thống, ảnh: vanoce-tradice.
Bữa tối Giáng sinh bắt đầu bằng việc cầu nguyện, sau đó đến các món súp cá, cá chép rán ăn kèm salát khoai tây, nhưng đó chỉ là tại Séc. Ở Slovakia, họ ăn súp bắp cải như Ba Lan và bánh quết mật ong và tỏi như Hungary. Sau bữa tối, họ thường tặng quà nhau và đi cầu nguyện. Nhiều gia đình không theo đạo còn có thói quen bói vào đêm Giáng sinh bằng táo, hạt dẻ và nến.
Giáng sinh ở Séc và Slovakia thực sự bắt đầu vào một ngày sau đó, 25.12. Được gọi là lễ hội của Trời, trong ngày này, người ta đến thăm nhà và tặng quà nhau, chủ nhà vì thế phải chuẩn bị thức ăn thật chu đáo để đón khách, thường là nhiều món ăn đặc sản như thịt thỏ, ốc, gà tây uống kèm với vang hoặc sâm-panh.
Giáng sinh không thể thiếu bánh ngọt, ảnh: Prozeny.
Giáng sinh không thể thiếu bánh ngọt, ảnh: Prozeny.

Hungary – Karácsony
Giáng sinh tại Hungary không chỉ là ngày lễ tôn giáo mà còn mang ý nghĩa dân tộc. Nguồn gốc của nó bắt nguồn từ ngày 26.12, một ngày sau khi Chúa giáng trần, chính là ngày lễ thánh István (ở các ngôn ngữ khác là Stephen), người có công lập nước Hungary. Ngoài ra, cũng bởi lí do lịch sử, Giáng sinh Hungary bắt đầu từ chủ nhật Advent đầu tiên khi cả gia đình đặt bánh thánh István lên bàn và bánh này không được ăn cho đến hết ngày 6.1, tức ngày Ba vị vua. Dưới bánh, họ để một chút hạt lúa mạch với ước nguyện được mùa.
Halászlé, canh cá mừng Giáng sinh, ảnh: Flickr.
Canh cá Halászlé cùng người Hungary đón Giáng sinh, ảnh: Flickr.
Ở Hungary, người dân thường tặng quà trước khi ăn. Bữa ăn của họ kéo dài rất lâu với nhiều món, bắt đầu từ khi mặt trời lặn hoặc ngôi sao đầu tiên hiện lên trời. Khi đó, mọi người trong gia đình ngồi vào bàn và cầu nguyện. Họ thường bổ táo tượng trưng cho sự sẻ chia, ăn bánh quết mật ong và tỏi để cầu chúc sức khỏe. Sau đó là món súp cá và cá rán, thường là cá chép ăn với nộm khoai tây. Đến đêm, nghĩa vụ của mỗi người là đi cầu nguyện, không chỉ mang tính chất tôn giáo mà còn là một thói quen chung trong xã hội Hungary.
Nga – рождество
Ở Nga, Giáng sinh đã không còn là một ngày thiêng liêng. Vào 24.12 khi cả châu Âu đón Giáng sinh, người Nga vẫn làm việc bình thường. Thói quen đón Giáng sinh bị mất đi do chế độ cộng sản đã tiến hành cấm nó từ năm 1918. Thay cho Giáng sinh, người Nga đón giao thừa và nhận quà của ông già Băng giá và cây thông Jolka.
Ông già Băng tặng quà cho trẻ em Nga, ảnh: Novinky.
Ông già Băng tặng quà cho trẻ em Nga, ảnh: Novinky.
Nhưng với những người theo đạo, Giáng sinh vẫn được chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Từ ngày 28.11 đến 6.1 năm sau, họ phải kiêng khem, tổng cộng 40 ngày. Vào mùng 2.1, việc kiêng khem được diễn ra nghiêm khắc nhất, không chỉ nhịn ăn, người Nga còn không tham gia giải trí dưới mọi hình thức. Đến chiều, họ hát thánh ca rồi ăn tối với cá hoặc đồ ăn chay, thường là những chiếc bánh nhân khoa tây, cơm, cải và nấm. Thức ăn truyền thông khác cũng là một loại chè thập cẩm nấu từ lúa mạch, mật ong, nho khô, hạt dẻ, thường được ăn vào các đám tang, hoặc hoa quả khô trộn là món ăn khi một đứa trẻ chào đời. Hai món ăn này tưởng nhớ đến cái chết và sự phục sinh của Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

nguoivietxaxu